Kỹ năng web

Kiến thức toàn diện về tên miền (domain)

Một tên miền là gì? Hay, domain là gì? Đây là câu hỏi của rất nhiều người mới bắt đầu mà tôi được hỏi rất nhiều lần.

Tên miền (domain bằng tiếng Anh) có vẻ là một điều cơ bản với những người có kinh nghiệm, nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng để biết tận gốc về nó, phải không nào? Đặc biệt bạn là người mới bắt đầu.

Ten mien la gi

Khi tôi quyết định xây dựng website đầu tiên vài năm trước, tôi cũng như các bạn, không biết rõ tên miền là gì, cách thức để kết nối nó với một trang web, chọn tên miền .com, .net, hay .vn thì tốt hơn… Nói chung là có rất nhiều điều cần được xem xét xung quanh tên miền mà lúc đó tôi đã mù tịt.

Người mới bắt đầu thường hay có nhầm lẫn tên miền với một trang web hoặc dịch vụ lưu trữ trang web (hosting). Nếu bạn chưa được học qua thì tất cả các thuật ngữ khác nhau này có vẻ khó phân biệt.

Trong bài hướng dẫn này, mình sẽ chỉ dẫn tận tình cho các bạn mới bắt đầu, và cả những ai muốn hệ thống lại toàn bộ kiến thức về tên miền để hiểu rõ hơn vể nó; bao gồm cả cách thức hoạt động, cùng chỉ dẫn để chọn một tên miền hay cho trang web trong tương lai của bạn.

Bây giờ chúng ta đi vào chi tiết nhé! Bạn đã sẵn sàng chưa?

Tên miền là gì?

Tên miền (domain) là địa chỉ mà khi bạn nhập trên trình duyệt web nó sẽ dẫn đến một website.

Ví dụ cho các bạn rõ hơn nhé:

Tên miền của Google tại Việt Nam là www.google.com.vn

Tên miền của website bạn đang xem là vi.thomwebsite.com

Tên miền là duy nhất cho mỗi website. Nghĩa là một tên miền không thể chia sẻ ( hay chỉ dẫn) đến nhiều hơn một website.

Để bạn dễ nắm bắt theo một cách hình tượng, bạn có thể xem tên miền như là số nhà của các bạn, dẫn đến ngôi nhà của bạn (là website).

Có thể hiểu căn bản là như trên. Đây là nội dung mở rộng cho những ai muốn tìm hiểu sâu hơn, cũng như cho những bạn đã ít nhiều biết về internet.

Internet là một mạng lưới khổng lồ máy chủ kết nối với nhau mà một người ở xa nó vẫn có thể truy cập thông tin lưu trên đó. Mỗi máy chủ thường được gắn cho một địa chỉ, gọi là địa chỉ IP.

Địa chỉ IP có hai dạng là Ipv4 và Ipv6. Địa chỉ Ipv4 có cấu trúc đơn giản hơn Ipv6.

Ví dụ: IPv4: 123.100.91.67 và Pv6: 2001:ee0:4c08:a350:6105:7fe:e930:6ef6

Nhìn những dãy số này không dễ gì để nhớ cho mọi người, và để xem thông tin của một website nào đó lưu trữ trên máy chủ thì rất là khó khăn.

Chính vì vậy, tên miền ra đời để gải quyết vấn đề này. Do đó, ở dưới mỗi tên miền dễ nhớ và hay hay thì đó là các ký tự phức tạp.

Thật là tuyệt phải không? Bây giờ bạn có thể xem thông tin của một website bất kỳ mà không cần nhớ các dãy số gây đau đầu như trên nữa.

Chẳng hạn bạn chỉ cần gõ tên miền thomwebsite.com bạn sẽ đến trang của mình bằng tiếng Anh, còn trang tiếng Việt là vi.thomwebsite.com.

Đến đây, nhiều bạn lại thấy nó phức tạp lên nữa. Vì tên miền ở đây có hai dạng cho hai website: một bằng tiếng Anh và một bằng tiếng Việt.

Vâng, đúng rồi các bạn. Tên miền chính là thomwebsite.com, còn tên miền này vi.thomwebsite.com là tên miền phụ, còn gọi là tên miền con. Phần này sẽ nói rõ hơn phía dưới.

Chúng ta tạm đóng phần này lại nhé! Vì càng phân tích nó càng phức tạp, lùng nhùng lắm.

Qua tiếp phần sau xem thú vị hơn không nào?

Tên miền hoạt động như thế nào?

Tên miền được ngắn cho một website hay một máy chủ nào đó.

Khi bạn nhập thông tin một tên miền trên trình duyệt web, tên miền sẽ hoạt động như sau:

1. Một yêu cầu (theo thuật ngữ chuyên ngành, gọi là truy vấn) sẽ được gửi đến hệ thống kết nối toàn cầu, đó là hệ thống tên miền (gọi tắt là DNS).

2. Hệ thống DNS sẽ tìm kiếm máy chủ có kết nối đến tên miền được truy vấn, và khi tìm thấy nó sẽ chuyển tiếp các yêu cầu này lên máy chủ đó.

3. Khi các máy chủ (có liên kết đến tên miền, thường là nơi lưu trữ thông tin website) nhận được yêu cầu trên, chúng sẽ phản hồi dữ liệu (data) ngược lại cho người dùng. Thường đó là nội dung trang web mà các bạn muốn truy cập.

Phần này có vẻ đơn giản nhỉ! Khép lại nhé!

Bây giờ xem tiếp phần sau thử tên miền này còn cái gì hay ho?

Tên miền và website có giống nhau?

Như ít nhiều nói ở trên, website và tên miền hoàn toàn khác nhau.

Website là nội dung và dữ liệu (như ngôi nhà của bạn) được xây dựng trên mã nguồn PHP như trên nền tảng WordPress, HTML, hay một mã nguồn khác…

Tên miền là địa chỉ đẫn đến trang web, cái để định danh (số nhà).

Một tên miền (kể cả tên miền phụ) chỉ dẫn đến một trang web, nhưng một trang web có thể có nhiều tên miền được trỏ đến. Như ngôi nhà của bạn, có số nhà mới và sỗ cũ vậy.

Tên miền liên kết với website để cho người đọc dễ truy cập thông tin lưu trữ trên trang web đó. Thực chất là tên miền dẫn đến máy chủ lưu trữ nội dung của trang web đấy.

Nói tóm lại, để một một website chạy trên hệ thống internet, bạn cần có một tên miền kết nối với một máy chủ nơi lưu trữ nội dung trang web.

Như vậy, đây là hai dịch vụ riêng biệt mà bạn có thể mua ở một hoặc hai công ty khác nhau. Mình chân thành khuyên bạn mua nó ở hai công ty khác nhau, một công ty chuyên cung cấp tên miền như namecheap.com ở nước ngoài, hay pavietnam.vn ở Việt Nam. Còn máy chủ (thưởng trang web nhỏ thì chỉ sử dụng shared hosting, nghĩa là máy chủ hay lưu trữ chia sẻ) thì nên dùng của sectorlink.com hay fastcomet.com.

Ngoài ra còn nhiều nhà cung cấp khác cũng tốt, nhưng mình quen dùng và thấy thích những thằng này, nên mình chỉ dẫn thôi nhé.

Một vài bạn hỏi mình: vì sao nên mua tên miền và hosting của hai nhà cung cấp khác nhau?

Đơn giản, không ai mạnh cả hai cái đều nhau cả. Có người mạnh cung cấp tên miền, còn người khác mạnh cung cấp hosting. Vì mỗi lĩnh vực là cả ngàn vấn để đòi hỏi yêu cầu kiến thức chuyên sâu. Có dễ gì mở ra dịch vụ rồi ngồi đó thu tiền đâu. Không dễ đâu các bạn à? Chỉ một vấn đề là bảo mật thôi cũng đau đầu, đau óc rồi còn gì.

Vấn đề nữa là, khi bạn không hài lòng một trong hai dịch vụ, bạn dễ dàng di chuyển đến nơi khác, đỡ rắc rối. Mặc dù bây giờ, các công ty cung cấp dịch vụ chẳng giám gây rắc rối cho bạn đâu.

Còn gì nữa bây giờ?

Có những loại tên miền nào?

Có nhiều cách phân loại tên miền, và tùy vào cách phân loại mà tên miền nó sẽ có các dạng khác nhau. Cơ bản như sau:

  • Tên miền toàn cầu hay toàn thế giới: Tên miền loại này có nhiều dạng với phần mở rộng khác nhau .com, .net, .org, .info, .ai… Trong đó phổ biến nhất là .com.
  • Tên miền quốc gia: Tên miền theo từng quốc gia có phần mở rộng là ký hiệu được quy định bởi tổ chức tên miền quốc tế ICANN. Với việt nam có phần mở rộng .vn, ở Anh là .uk, ở Singapore là .sg …

Nói thêm, tên miền quốc gia ở Việt Nam đôi khi các bạn thấy có .com.vn, edu.vn, org.vn… Đấy là những tên miền con của tên miền cao cấp quốc gia là .vn.

Cách phân loại thứ hai mà khi các bạn làm việc nhiều với website (đặc biệt các bạn chuyên thiết kế web) sẽ gặp, đó là tên miền chính và tên miền phụ (hay tên miền con).

  • Tên miền chính: có dạng như thế này tenban.com hay tencongty.org, tendichvu.net… , như trang web của mình bằng tiếng Anh có tên miền chính là thomwebsite.com.
  • Tên miền phụ (subdomain) hay tên miền con được tạo ra từ tên miền chính, có dạng: blog.tenban.com, shop.tencongty.vn, maytinh.tendomain.net…., như trang web bạn đang đọc đang chạy trên tên miền con vi.thomwebsite.com.

Đôi khi các bạn cũng có thể nghe ai đó nói là tên miền miễn phí và tên miền trả phí. Cái này nó cũng không khác các dạng ở trên.

Tuy nhiên, tên miền miễn phí thường được cung cấp bởi một công ty cung cấp dịch vụ website, hay blog nào đó, nhằm thu hút người dùng.

Mời bạn xem thêm blog là gì?

Và tên miễn miễn phí thường có dạng tenban.tennhacungcap.com. Ví dụ: tên miễn phí của wix.com (nền tảng xây dựng blog và website) là tenban.wix.com, hay của quora.com (nền tảng hỏi đáp toàn cầu) là tenban.quora.com, của wordpress.com là tenban.wordpress.com.

Tôi khuyên bạn không nên sử dụng tên miền miễn phí cho công việc kinh doanh, hay khởi tạo bất ký blog, trang web với ý niệm phát triển trong tương lai.

Đến đây có vẻ bắt đầu nhiều thứ liên quan đến tên miền rồi nhỉ. Nhưng vẫn còn nhiều cái để xem tiếp. Đọc tiếp nhé!

Tổ chức nào có trách nhiệm hệ thống tên miền?

Đối với tên miền quốc tế (.com, .net, .org…):

Tập đoàn Internet về tên và số (gọi tắt là: ICANN = Internet Corporation for Assigned Names and Numbers) quản lý thệ thông tên miền. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận được thiết lập để tạo và thực hiện các chính sách cho tên miền quốc tế.

ICANN cấp phép cho các công ty được phép đăng ký tên mền, thường gọi là các nhà đăng ký tên miền. Sau đó, các nhà đăng ký tên miền này phân phát, bán lại tên miền cho các cá nhân và tổ chức khác. Vì vậy, cá nhân (hay tổ chức không được cấp phép) không thể trực tiếp đăng ký tên miền với ICANN. Do vậy, việc các bạn mua tên miền phải qua các tổ chức được phép. Ở quốc tế mình thích đăng ký qua thằng namecheap.com.

Các nhà đăng ký tên miền này được phép bán tên miền, có trách nhiệm bảo mật thông tin đăng ký, quản lý hồ sơ, và thay mặt bạn thực hiện các thay đổi liên quan đến tên miền.

Tuy vậy, là người sở hữu tên miền, bạn phải có trách nhiệm thông báo, cập nhật thông tin liên quan đến tên miền cho nhà đăng ký tên miền (và cả cho cơ quan quản lý thông tin), đồng thời bạn cũng có trách nhiệm đóng phí, gia hạn tên miền của mình.

Đối với tên miền quốc gia Việt Nam (.vn):

Tên miền Việt Nam, có phần mở rộng là .vn, là tên miền do Trung tâm Internet VN – VNNIC chịu trách nhiệm quản lý và cung cấp cho người dùng.  Đấy là tổ chức quản lý tài nguyên Internet quốc gia tại Việt Nam.

Tuy nhiên, với việc đăng ký tên miền “.vn”, bạn phải thực hiện thông qua các Nhà đăng ký tên miền “.vn” được VNNIC cho phép. Như vậy bạn cũng không thể đăng ký trực tiếp với VNNIC mà phải thông qua các nhà đăng ký tên miền được công bố tại địa chỉ https://www.vnnic.vn/nhadangky/  “theo nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử, đăng ký trước được quyền sử dụng trước”.

Tên miền cao nhất của Việt Nam có phần mở rộng là .vn. Ngoài ra, các tên miền cấp thấp hơn là .com.vn, .edu.vn, .org.vn… Tất cả tên miền Việt Nam được xác định là chủ quyền quốc gia trên mạng Internet.

Nói túm lại, bạn có thể mua tên miền quốc tế và Việt Nam ở đâu?

Với tên miền quốc tế, các bạn có thể đăng ký với nhà đăng ký tên miền tại Việt Nam và cả ở các nước khác (nhà đăng ký tên miền quốc tế).

Với các nhà cung cấp tên miền quốc tế, bạn đăng ký nhanh chóng và có vẻ đơn giản hơn các nhà đăng ký tại Việt Nam (đây là kinh nghiệm cá nhân). Đồng thời hệ thống quản lý tên miền của các nhà cung cấp quốc tế đơn giản và chuyên nghiệp hơn.

Các nhà đăng ký quốc tế nổi tiếng đó là:

Tuy nhiên, khi làm việc với các công ty quốc tế, bạn phải biết tiếng Anh là điều bắt buột, và phải có thẻ thanh toán quốc tế (VISA, hay Master Card…) hoặc paypal để thanh toán phí cho các tên miền, và để gia hạn tên miền.

Sau khi đăng ký tên miền từ các tổ chức quốc tế, để hợp pháp sử dụng ở Việt Nam các bạn phải vào trang này để thông báo https://www.thongbaotenmien.vn/  (cũng đơn giản thôi, vì bằng tiếng Việt và vài bước thực thiện).

Bạn cũng có thể mua tên miền quốc tế từ các nhà cung cấp ở Việt Nam nếu bạn gặp khó khăn về tiếng Anh và thanh toán.

Bạn có thể chọn các nhà cung cấp phổ biến ở Việt Nam như:

Các nhà cung cấp trên ở Việt Nam, cũng là nơi các bạn có thể đăng ký tên miền quốc gia .vn, .com.vn, .org.vn, .edu.vn…

Với các tên miền quốc gia có phần mở rộng .vn, bạn không cần thông báo thêm thông tin với thongbaotenmien.vn khi bạn đăng ký thành công. Tuy vậy, trong quá trình đăng ký các nhà cung cấp sẽ hỏi bạn một số thông tin như CMND/Passport… (Đôi khi thấy hơi rắc rôi …!!!)

Tôi có thể mua một tên miền trực tiếp từ một người xây dựng trang web không? Mọi đăng ký tên miền phải thông qua tổ chức được phép cung cấp tên miền. Vì vậy, nếu cá nhân (hoặc công ty) xây dựng trang web cho bạn được phép cung cấp tên miền thì bạn có thể mua. Tuy nhiên, hầu như các cá nhân hay công ty thiết kế web chuyên nghiệp họ không cung cấp tên miền. Mặc dù vậy, nếu bạn là người không biết gì nhiều về tên miền và internet, bạn có thể nhờ các cá nhân, tổ chức này đăng ký giúp bạn. Khi họ đăng ký họ cũng phải đăng ký qua các tổ chức được phép phân phối tên miền.

Cách mua tên miền như thế nào?

Việc mua một tên miền cũng không có gì là khó khăn. Với hầu hết các nhà đăng ký, bạn phải có tài khoản để sử dụng trên trang web của họ, và bạn bắt đầu mua tên miền mình ưng ý.

Mình sẽ chỉ bạn các bước căn bản để mua tên miền trên namecheap.com nhé.

1. Vào trang web https://www.namecheap.com , bạn sẽ thấy ngay cộng cụ tìm tên miền.

mua ten mien tren namecheap

2. Nhập tên miền vào ô tra cứu tên miền, và bấm nút tìm kiếm. Việc này sẽ thực hiện khâu kiểm tra tiên miền có còn sẵn cho việc đăng ký. Nếu tên miền chưa được ai đăng ký thì nó sẽ hiện ra có dấu tích xanh và nút “Add to cart” bên tên miền.

Cach mua ten mien

3. Chọn “Add to cart” và chọn nút “Check out”. Trang web sẽ đưa bạn đến trang thông tin sản phẩm bạn vừa chọn, bạn kiểm tra giá và tên miền lại lần nữa cho thật chính xác.

Mua tren mien ten namecheap

4. Chọn nút “Confirm Order”. Bạn sẽ vào trang tạo tài khoản nếu bạn chưa có tài khoản trên namecheap. Nhập đầy đủ thông tin: mật khẩu, tên, họ, và email, chọn chọn nút “Create Account and Continue”. Bạn sẽ nhận được một email, để xác minh tài khoản.

Nếu bạn có tài khoản rồi thì đăng nhập vào để tiến hành thanh toán.

tao tai khoan tren namecheap
Trang đăng nhập hoặc tạo tài khoản trên namecheap nếu bạn chưa có tài khoản.

5. Namecheap đưa bạn đến trang chọn phương thức thanh toán.

Phuong thuc thanh toan tren namecheap

Nếu bạn chọn thanh toán bằng Paypal, thì bạn chọn nút thanh toán paypal. Rất nhanh chóng.

Còn bạn muốn thanh toán bằng Card VISA, Master… thì chọn “Select other payment options”. Nhập thông tin thẻ vào ô được yêu cầu.

6. Sau cùng chọn nút “Continue”. Đợi một lúc để hệ thống thực hiện thanh toán và cung cấp tên miền.

Thế là xong nhé! Bạn đã sở hữu được tên miền.

Chi phí đăng ký một tên miền là bao nhiêu?

Chi phí cho một tên miền có khác nhau tùy vào nhà cung cấp, phụ thuộc vào loại tên miền (quốc tế hay Việt Nam) và phụ thuộc vào phần mở rộng .com, .net hay .org… cũng như .vn hay .com.vn …

Nói chung với chi phí trung bình cho tên miền quốc tế như sau:

Giá của các nhà cung cấp quốc tế cho các tên miền có phần mở rộng ưu thích (giá từ namecheap để tham khảo, họ tính bằng $/năm):

TênĐăng ký mớiGia hạn
.com$8.88$12.98
.net$11.98$14.98
.org$12.98$14.98
.io$28.88$34.88
.ai$58.88$68.88
.info$14.98$14.98

Giá tham khảo tên miền quốc tế và quốc gia của các nhà cung cấp ở Việt Nam (đây chỉ là giá tham khảo, đơn vị tính 1000VND/năm)

TênĐăng ký mớiGia hạn
.com210299
.net280345
.org299345
.io660800
.ai1,3541,584
.info345345
.vn400350
.com.vn400250
.net.vn200250
.biz.vn200250
.org.vn120150
.edu.vn120150
.info.vn120150

Lợi thế của từng loại tên miền

Nhiều bạn lại hỏi, khi nào dùng tên miền quốc tế? Khi nào dùng tên miền Việt Nam? Khi nào nên mua .com, .net, hay .edu.vn, net.vn?

Trong phần này, mình sẽ đưa ra những ưu điểm và cả nhượt điểm để các bạn lựa chọn đúng nhé.

Tên miền phổ biến nhất là tên miền có quốc tế có phần mở rộng .com. Đây được xem như là vua của tên miền.

Với cái tên của nó cũng đã nói lên tính chất của tên miền: Tên miền quốc tế có tính chất quốc tế, phổ biến hơn với nhiều người dùng internet. Người dùng internet rất quen thuột với .com, và cả .net.

Tên miền quốc tế có phần mở rộng khác như .travel, .ai, .io, .shop, .store, .app … đúng là khó nhớ phải không nào? Do đó, chúng không phổ biến lắm, chỉ người trong ngành mới thấy quen quen, và dùng…

Vì vậy với một tiên miền có phần mở rộng .com là lựa chọn hàng đầu cho hầu hết các trang web.

Tôi khuyên các bạn nên chọn tên miền với phần mở rộng .com, đây là chọn lựa đầu tiên, nếu còn cái tên nào như ý của mình thì chộp liền, dừng do dự.

Bài học về thương vụ tên miền BKAV.COM cũng đủ để chúng ta không còn đắng đo do dự với tên miền .com (xem bài báo cũ về thương vụ BKAV.COM). BKAV đã phải trả 2,3 tỷ đồng cho tên miền BKAV.COM. Quả thật, con số quá lớn so với một tên miền .com, nhưng nhiều người còn cho là rẻ với một thương hiệu.

Ai biết được, việc kinh doanh của bạn phát triển đến mức nào? Việc nghĩ đến tầm quốc tế không còn xa lạ, thế giới đã phẳng từ lâu.

Tiếp theo là các tên miền quốc tế phổ biến khác, mình khắc họa trong bảng sau cho các bạn dễ nhìn:

TênLĩnh vực thường dùng
.comchung, mọi lĩnh vực
.netthông tin, công nghệ
.orgcho các tổ chức, chính phủ
.iocho các startups (khởi nghiệp) liên quan đến công nghệ
.aitrí tệ nhân tạo
.infothông tin công nghệ

Với tính ưu việt rất lớn, đặc biệt của .com, điểm bất lợi lớn nhất của tên miền quốc tế là tính bảo mật. Mặt dù, các nhà cung cấp tên miền có đội ngũ bảo mật tương đối tốt, nhưng một khi bị xâm nhập và mất tên miền quốc tế thì rất khó lấy lại.

Trái với bất lợi của nó, tên miền Việt Nam .vn lại được bảo vệ bởi tổ chức TRUNG TÂM INTERNET VIỆT NAM – VNNIC. Việc giải quyết tranh chấp để lấy lại tên miền cho cá nhân và doanh nghiệp đã sở hữu trước đó có phần dễ dàng hơn. Nên việc bị mất mát tên miền .vn dường như là không thể.

Gợi ý: Để việc bảo vệ tên miền .vn của bạn được tốt hơn, bạn nên có hợp đồng mua bán tên miền với tổ chức hay ít ra có phiếu thu đăng ký tên miền .vn với tổ chức cung cấp tên miền.

Và tên miền .vn nên là lựa chọn đầu tiên nếu bạn muốn mua tên miền Việt Nam. Tiếp theo là phần mở rộng .com.vn. Các phần mở rộng khác: .edu.vn cho tổ chức giáo dục, .org.vn cho tổ chức nhà nước Việt Nam, .info.vn cho các trang thông tin công nghệ, .net.vn cũng cho các trang liên quan đến công nghệ thông tin…

Phía trên là những ưu và nhược của tính pháp lý và tính phổ quát. Còn một vấn đề hết sức quan trọng của tên miền đó là khả năng tăng cường thứ hạng trên Google. Nói gọn là khả năng SEO.

Việc tăng cường thứ hạng trên Google thông qua việc chọn lựa tên miền là mối quan tâm rất lớn với người làm SEO, cũng như những ai muốn tăng thứ hạng và phổ biến việc kinh doanh trên mạng của mình.

Vấn đề này nói ra cũng dài lắm các bạn à. Tuy vậy, mình chỉ đề cập với phần chọn lựa phần mở rộng của tên miền để cho đơn giản và dễ nắm bắt hơn.

Tên miền quốc tế có phần mở rộng .com, .org, .net… thì tốt cho công việc kinh doanh và phát triển người đọc, cũng như thứ hạng mang tính chất toàn cầu.

Do vậy, khách hàng của các bạn là người nước ngoài, ở khắp nơi (Âu, Úc, Mỹ…) thì tên miền quốc tế sẽ dễ làm SEO. Đặc biệt với các doanh nghiệp lữ hành quốc tế, khách mọi nơi, vậy để dễ nâng thứ hạng trên Google quốc tế thì việc lựa chọn tên miền quốc tế là hết sức cần thiết.

Với tiên miền .VN (bao gồm .com.vn, .org.vn, .net.vn..), nó có tính chất khu vực rõ hơn. Nên Google ưu tiên xếp hạng cao hơn tại Việt Nam. Vậy, người đọc và khách hàng của bạn chỉ ở Việt Nam thì tên miền .vn là tối ưu. Không cần thiết lập địa phương trong google webmaster như tên miền .com.

Tuy vậy, vì sao ở trên tôi lại khuyên bạn chọn .com là đầu tiên? Vì tôi luôn nghĩ đến việc mở rộng kinh doanh của các bạn ra toàn cầu, ít nhất cũng cho các nước Đông Nam Á, thì .com là cần thiết. Khi bạn có tên miền .com, việc sử lý thuộc về kỹ thuật để phân khu vực, nếu khách hàng của bạn chỉ ở Việt Nam. Ở trong phần quản lý Webmaster của Google, bạn cần chọn là Việt Nam để thiết lập khu vực ưu tiên hiển thị cho trang web.

Làm thế nào để chọn một tên miền hay

Tính đến đầu năm 2020, có tầm 360 triệu tên miền đã được đăng ký trên khắp thế giới. Việc chọn lựa được một tên miền hay có phần mở rộng .com quả là việc khó với thời điểm này.

Một tên miền hay được hiểu như thế nào?

Căn cứ sau có thể giúp bạn định vị ra được tên miền hay cho blog cá nhân hay cho trang web của doanh nghiệp:

  1. Tên miền có phần mở rộng được ưa thích .com, ở Việt Nam là .vn,
  2. Tên miền ngắn gọn, ví dụ grab.com, tuoitre.vn, baomoi.com…
  3. Tên miềndễ nhớ và dễ đánh vần, ví dụ baomoi.com, tiki.vn, lazada.vn, alibaba.com, amazon.com…
  4. Tên không có số hay dấu cách,
  5. Tên miền liên quan đến chủ đề của website, dịch vụ, sản phẩm… Ví dụ: mobifone.vn, đọc lên là biết dịch vụ mà họ kinh doanh là gì liền.

Tên miền bạn mua thì như thế nào? Chia sẽ với chúng tôi!

Các câu hỏi thường gặp về tên miền

1. Tôi được đăng ký bao nhiêu tên miền?

Bạn có quyền đăng ký không giới hạn tên miền. Vấn đề chỉ là kinh phí. Chỉ với vài trăm ngàn cho một tên miền, có vẻ không nhiều. Nhưng khi bạn sở hữu từ chục tên miền trở lên thì vấn đề kinh phí không thể không được xem xét đến.

2. Mua tên miền giá rẻ ở đâu?

Hầu hết các nhà cung cấp tên miền đều có giá tương đương nhau. Vì vậy, việc chọn nhà cung cấp tên miền không nên dựa vào tiêu chí giá rẻ.

Tuy vậy, có một vài nhà cung cấp hay đưa ra khuyến mãi, bạn phải canh để mua nếu muốn có giá rẻ.

Còn các tên miền thực sự rẻ, chỉ vài chục ngàn đồng cho một năm thì với phần mở rộng lạ hoắc, chẳng chuyên nghiệp. Mình không khuyên các bạn sử dụng nó. Và, các bạn cần chú ý đừng mắc bẩy giá rẻ, vì một số nhà cung cấp cho đăng ký năm đầu rất rất rẻ. Nhưng khi gia hạn, giá cao ngất ngưởng.

3. Tôi có được quyền mua hay bán tên miền?

Bạn được phép mua và bán tên miền mà bạn đang sở hữu. Tuy nhiên việc mua bán phải dựa vào các điều kiện kinh doanh. Việc mua bán này không phải là việc đăng ký tên miền; vì tổ chức được cấp phép mới được phép đăng ký và cung cấp tên miền.

Do vậy, việc mua bán tên miền mà bạn đang sở hữu phải thông qua nhà cung cấp tên miền và theo pháp luật.

4. Khi có tên miền là có thể chạy website?

Để chạy được một website với tên miền bạn vừa mua, bạn cần có các yếu tố bao gồm: tên miền, lưu trữ web (hosting), nội dung website. Như vậy, chỉ với tên miền thì bạn chưa thể chạy được web, giống như việc bạn có số của thửa đất mà chưa xây nhà.

Do vậy, bạn cần mua hosting để lưu trữ thông tin website, nhờ người thiết lập trang web, và khi bạn kết nối tên miền với hosting nơi lưu trữ nội dung thì sẽ có một website hoàn chỉnh. Bạn có thể xem cách kết nối tên miền với hosting tại bài hướng dẫn tạo website WordPress (ở bước 2 nhé).

5. Tạo email theo tên miền có được không?

Tất nhiên là được rồi. Khi bạn sở hữu tên miền, bạn phải kết nối với hosting và nhà cung cấp hosting đó có cho phép tạo email, hoặc bạn phải mua thêm dịch vụ email của nhà cung cấp tên miền, khi đó bạn sẽ tạo được email theo tên miền.

Mình khuyên bạn nên mua hosting có cung cấp email để tạo email theo tên miền.

6. Tôi có nên dùng thêm dịch vụ bảo vệ thông tin cá nhân trên tên miền?

Nếu bạn không sợ thêm chi phí, hoặc một số nhà cung cấp có dịch vụ miễn phí như namecheap, thì bạn nên dùng. Điều này đảm bảo tính riêng tư và tránh các dịch vụ lừa đảo, hay bị spam mail.

7. Tôi có thể chuyển đổi nhà cung cấp tên miền?

Vâng, bạn có thể thay đổi nhà cung cấp tên miền bằng việc chuyển tên miền từ nhà cung cấp này đến nhà cung cấp khác. Các công ty cung cấp không được phép làm khó người sử dụng.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi nhà cung cấp đôi khi gặp khó khăn về khả năng cập nhật thông tin của ICANN. Khi chuyển đổi diễn ra không suông sẻ, đúng cách thì có thể ảnh hướng đến thứ hạng website của bạn ít nhiều trên các công cụ tìm kiếm.

8. Tôi có thể hủy đăng ký tên miền?

Sau khi đăng ký tên miền thành công, một số công ty cung cấp tên miền có thể cho phép bạn hủy việc đăng ký đó; một số khác thì chỉ cho phép để tên miền hết hạn. Nhưng nhìn chung các công ty đăng ký tên miền sẽ không hoàn tiền lại cho bạn khi bạn hủy tên miền đã đăng ký thành công.

9. Tôi có thể chuyển nội dung trang web đến một tên miền khác?

Tất nhiên là bạn có thể chuyển nội dung trang web đến một tên miền khác. Tuy vậy, việc làm này hết sức cẩn trọng nếu không Google cũng như các công cụ tìm kiếm khác đánh dấu trang web có nội dung trùng lặp. Đây là điều làm rất tệ với thứ hạng một trang web trên công cụ tìm kiếm, đặc biệt là Google.

10. Tôi có cần phải sử dụng SSL cho tên miền và trang web?

Việc sử dụng SSL (Secure Sockets Layer – Lớp bảo mật dữ liệu) là không bắt buột. Thông thường, các trang web cung cấp thông tin, không có giao dịch mua bán hay thanh toán online, thì ít khi dùng SSL.

Một số người nói rằng sử dụng SSL cho tên miền sẽ tăng thứ hạng của trang web trên các công cụ tìm kiếm. Vấn đề này còn đang tranh luận, vì chưa có bằng chứng cụ thể về sự ảnh hưởng của SSL với thứ hạng website. Nhưng với kinh nghiệm của mình, các website có SSL thì chạy có vẻ mượt hơn trên google chrome.

Bạn còn vấn đề gì về tên miền nữa không?

Để lại comment phía dưới nếu có thắc mắc.

Và chia sẻ bài viết để ủng hộ công sức của tôi nhé!

Nhận xét